Để hiểu rõ hơn về hệ thống giám sát tự động này, PV Báo GTVT đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Trọng Vinh, cố vấn kỹ thuật cao cấp của Công ty TNHH MTV Hanel, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Biển Bạc.
PV- Xin ông cho biết, lý do vì sao đơn vị lại lựa chọn đầu tư vào công nghệ giám sát giao thông bằng camera?
Ông Trần Trọng Vinh: Có 3 lý do chính để chúng tôi bắt tay vào thử nghiệm và phát triển hệ thống phần mềm xử lý vi phạm giao thông qua camera giám sát giao thông:
Thứ nhất, công ty là đơn vị chuyên kinh doanh thiết bị và phần mềm trong lĩnh vực thiết bị giám sát an ninh.
Thứ hai, như chúng ta đã biết TNGT ở Việt Nam đã trở thành vấn nạn quốc gia. Để hạn chế TNGT, nhiều năm nay Chính phủ và các bộ, ngành đã phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường, mở rộng đường xá, xây dựng thêm các công trình giao thông,… những việc làm này đã tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc của nhà nước. Trong khi đó tình hình vi phạm giao thông diễn ra rất phổ biến, ý thức người tham gia còn hạn chế khiến TNGT vẫn ở mức cao so với khu vực. Vì vậy, chúng ta rất cần có giải pháp đột phá trong xử lý các lỗi vi phạm giao thông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.
Thứ ba, từ năm 2008, cùng với Cục Khoa học công nghệ & môi trường - Bộ Công an, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu TNGT bằng sử dụng công nghệ phân tích hình ảnh. Nói cách khác là phần mềm xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát.
 |
Phần mềm có khả năng phân tích cùng lúc nhiều trường hợp vi phạm giao thông
với các lỗi vi phạm khác nhau. |
Mặc dù, đây không phải là phần mềm mới đối với các nước, nhưng ở nước ta vẫn chưa có nhiều phần mềm thực sự phát huy hiệu quả trong vấn đề này. Hơn nữa, thời điểm đó, các công nghệ giám sát giao thông tiên tiến của các nước đều gặp trở ngại khi đưa vào ứng dụng tại Việt Nam. Bởi các phần mềm hầu hết không phù hợp với đặc thù giao thông nước ta; không đáp ứng được các yêu cầu trong thực tế giao thông, cũng như hệ thống trang thiết bị trong nước. Ngoài ra, nếu muốn triển khai được hệ thống của họ, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư một nguồn kinh phí khá lớn trong khi hiệu quả mang lại vẫn chưa rõ rệt.
Đứng trước bài toán đó, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và đưa ra một phần mềm giám sát giao thông qua camera “made in Việt Nam”. Ban đầu chúng tôi lắp đặt thử nghiệm hệ thống tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Qua một thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy hệ thống đã đáp ứng được phần lớn các yêu cầu cần thiết. Sau đó, chúng tôi tiếp tục triển khai tại Kiên Giang, Đồng Nai, và bây giờ chúng tôi đang triển khai tại Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam.
PV - So với hệ thống camera giám sát khác, hệ thống mà các ông đang thử nghiệm có ưu điểm gì?
Ông Trần Trọng Vinh: Hệ thống chúng tôi đang thử nghiêm kết hợp phần mềm STM 01 có khả năng tự phát hiện tín hiệu đèn giao thông (đèn xanh- đèn đỏ); tự xác định ranh giới vi phạm giao thông (vạch kẻ đường) nên chúng có khả năng hoạt động độc lập. Khi triển khai lắp đặt hay bảo trì hệ thống, chúng ta sẽ không phải đào đường, hay phải đấu nối với đèn tín hiệu.
 |
Biên bản vi phạm giao thông được trích xuất từ hệ thống SMT 01. |
Ngoài ra, với hệ thống trung tâm điều khiển thông minh, SMT 01 có khả năng nhận dạng biển số, xác định lỗi, đồng thời đưa ra biên bản vi phạm giao thông hoàn toàn tự động. Phần mềm này sẽ nhận dạng được tất cả các loại biển số xe ô tô, xe máy tại Việt Nam theo đúng định dạng và đầy đủ các ký tự, màu sắc; Thời gian nhận dạng chỉ từ 20 - 50 ms; Độ chính xác nhận dạng lớn hơn 98%; Không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, ánh sáng... So với các hệ thống camera bán tự động hiện nay, thì SMT 01 sẽ giúp đơn vị quản lý giảm được tối đa bộ máy điều hành, cũng như các bộ phận theo dõi xác minh vi phạm.
 |
Hệ thống camera đã được lắp đặt ở Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam. |
PV - Được biết, ngoài Hanel thì ở Việt Nam còn có nhiều đơn vị đang triển khi thử nghiệm hệ thống camera giám sát giao thông. Dư luận băn khoăn, liệu sau khi các hệ thống được đưa vào sử dụng, chúng có thể kết nối được với nhau không, thưa ông?
Ông Trần Trọng Vinh: Hiện nay, có nhiều hệ thống đang được triển khai, như hệ thống Camera giám sát tốc độ của Cục CSGT trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; Camera trên QL1A, Camera theo dõi giao thông của VOV… tất cả những hệ thống trên đều mới chỉ dừng lại ở việc giám sát tốc độ, thu thập thông tin hoặc phát hiện vi phạm làn đường của ô tô. Còn những vi phạm khác, vi phạm của phương tiện khác cũng chưa được áp dụng.
Riêng về hệ thống của Hanel, đây chỉ đơn thuần là hệ thống phát hiện lỗi vi phạm giao thông đầu - cuối, cho nên nó có thể kết nối với tất cả các hệ thống hiện có, cũng như sắp được triển khai.
PV - Xin ông cho biết, giá thành để đầu tư lắp đặt hệ thống phần mềm và camera giám sát giao thông là bao nhiêu?
Ông Trần Trọng Vinh: Theo tính toán của chúng tôi, giá thành để đầu tư lắp đặt và vận hành công nghệ này tương đối thấp. Do chỉ cần lắp đặt hệ thống tại các vị trí trọng điểm, vị trí hay xảy ra tai nạn, các đường cua, điểm ngã tư giao cắt. Tính ra để lắp đặt cả hệ thống này trên toàn quốc thì chỉ cần đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Khoản tiền này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với những thiệt hại do TNGT gây ra.
Chúng tôi rất mong muốn sản phầm này sẽ được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam. Vì đây là sản phẩm sáng tạo của người Việt, thể hiện trí tuệ Việt nên chúng ta có thể tự hào về sản phẩm và làm chủ hoàn toàn về công nghệ. Chúng tôi đã tính toán, nếu như nhà nước đầu tư lắp đặt hệ thống một cách đồng bộ trên tất cả các tuyến đường thì sẽ có thể giảm ngay 30% số vụ vi phạm giao thông và giảm 50% số vụ tai nạn.
Xin cảm ơn ông!
Văn Thanh
Theo Giaothongvantai